Trang tin tức sự kiện
 
Chuẩn mực Đạo đức ngành Ngân hàng - giá trị cốt lõi và yếu tố căn bản của người cán bộ giỏi

Sinh viên Khoa Tài chính Ngân hàng đã có một tọa đàm ý nghĩa về đạo đức nghề nghiệp
Ngày 29/10/2019, Khoa Tài chính Ngân hàng đã phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng VNBA tổ chức Tọa đàm định hướng về đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực Ngân hàng cho hơn 100 sinh viên Khoa Tài chính Ngân hàng tại Hội trường 503, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN.


Ông Nguyễn Chí Thành - Nguyên Cục trưởng Cục phát hành kho quỹ Ngân hàng Nhà nước. Hiện là Trưởng Ban Công tác Hội viên thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và TS. Đinh Thị Thanh Vân - Phó Chủ nhiệm khoa Tài chính Ngân hàng là diễn giả của Tọa đàm.

 

Là đơn vị trực thuộc trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN với bề dày truyền thống 45 năm hình thành và phát triển, Khoa Tài chính Ngân hàng là một trong những Khoa chuyên ngành đào tạo cán bộ, chuyên viên hàng đầu, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho Ngân hàng và các tổ chức tài chính trong và ngoài nước.

 Diễn giả Nguyễn Chí Thành chia sẻ với sinh viên Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN

Mở đầu Tọa đàm, TS. Đinh Thị Thanh Vân phát biểu chào mừng Hiệp hội Ngân hàng đã tham dự và dành thời gian chia sẻ với sinh viên những kiến thức thực tế liên quan đến quy chuẩn đạo đức ngành Ngân hàng – một trong những yếu tố quan trọng và căn bản nhất đối với cán bộ làm việc trong ngành ngân hàng. Qua chương trình này, TS. Đinh Thị Thanh Vân hy vọng các em sinh viên sẽ nắm bắt rõ ràng hơn về nghề nghiệp cũng như tự xác định được khả năng của bản thân để phấn đấu và rèn luyện tốt hơn nữa trước khi chính thức bước chân vào lĩnh vực mà các em đã lựa chọn: ngành Tài chính - Ngân hàng.

 TS. Đinh Thị Thanh Vân chia sẻ về các đạo đức nghề nghiệp
Tiếp theo, Diễn giả Nguyễn Chí Thành chia sẻ về các chuẩn mực đạo đức nghề ngân hàng và các quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng theo Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng mới được Hiệp hội Ngân hàng VN ban hành đầu năm 2019. Theo diễn giả, nghiệp vụ ngân hàng chứa đựng nhiều rủi ro nên Ngân hàng phải bằng các biện pháp nghiệp vụ của mình để phòng ngừa, quản trị và xử lý các rủi ro phát sinh bảo đảm hoạt động an toàn và hiệu quả. Có quản trị tốt rủi ro, ngân hàng mới là nơi để khách hàng tin tưởng, “chọn mặt gửi vàng”. Diễn giả Nguyễn Chí Thành nhấn mạnh “Người làm ngân hàng cần phải ý thức rõ đặc thù nghề nghiệp của mình để hiểu và tuân thủ những yêu cầu, quy định khắt khe của ngành, như vậy, sau này các bạn sinh viên bước chân vào làm nghề ngân hàng, cần bắt đầu bằng việc chuẩn bị tâm thế, nắm được những giá trị cốt lõi cần có của một người cán bộ ngân hàng, trong đó rất quan trọng là những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp”.
Thông qua việc giới thiệu Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng với nhiều tình huống giả định, những ví dụ thực tế, diễn giả Nguyễn Chí Thành đã giúp sinh viên hiểu Bộ chuẩn mực đã tổng hợp, chắt lọc những yêu cầu có tính cốt lõi của một người cán bộ ngân hàng gồm 6 chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và 2 quy tắc ứng xử. Đó là:
* Sáu chuẩn mực đạo đức
(1) Tính tuân thủ: Yêu cầu bắt buộc hàng đầu mà người cán bộ ngân hàng phải luôn ghi nhớ và thực hiện nghiêm túc.
(2) Sự cẩn trọng: Cùng với tính tuân thủ, cẩn trọng mọi công việc là yêu cầu không thể thiếu, nhằm tránh sai sót, gây hậu quả khó lường.
(3) Sự liêm chính: Đây là yêu cầu đối với mọi ngành nghề; song đối với đặc thù của nghề ngân hàng - gắn với tiền, càng đòi hỏi người cán bộ ngân hàng phải rèn luyện phẩm chất này, phải kiên định, bản lĩnh, tránh sự cám dỗ của đồng tiền.
(4) Sự tận tâm và chuyên cần: Có chu đáo, tận tâm trong quan hệ với khách hàng mới tạo ra chất lượng dịch vụ và sự hài lòng, chiếm được lòng tin của khách hàng.
(5) Tính chủ động, sáng tạo, thích ứng: Đây là yêu cầu mới đặt ra nhằm đáp ứng đòi hỏi của bối cảnh công nghệ ngân hàng đang phát triển nhanh, mô hình hoạt động của ngân hàng đang trong thời kỳ chuyển đổi từ mô hình ngân hàng truyền thống sang ngân hàng số ứng dụng công nghệ mới.
(6) Ý thức bảo mật thông tin: Trong thời đại mà thông tin, dữ liệu là nguồn tài nguyên quý báu như hiện nay, yêu cầu về bảo mật thông tin của khách hàng, của ngân hàng và của chính từng người trở nên hệ trọng và cấp thiết.
* Hai quy tắc ứng xử:
(1) Ứng xử trong nội bộ: Gồm ứng xử của cán bộ cấp dưới với cấp trên, cán bộ cấp trên với cấp dưới và đồng cấp với nhau;
(2) Ứng xử với bên ngoài: Với khách hàng và đối tác bên ngoài.
Diễn giả Nguyễn Chí Thành nhấn mạnh: “Nắm vững bộ chuẩn mực sẽ giúp nhanh chóng thích nghi với công việc và cùng với việc rèn luyện kỹ năng chuyên môn, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công tác của mình, giúp giảm thiểu, ngăn ngừa được rất nhiều rủi ro cho ngân hàng, tạo dựng hình ảnh, thương hiệu của ngân hàng và của Ngành”
 


 TS. Đinh Thị Thanh Vân tặng hoa tri ân diễn giả Nguyễn Chí Thành

TS. Đinh Thị Thanh Vân nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác bền vững và hữu nghị giữa Hiệp hội Ngân hàng VNBA và Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN thông qua nhiều hoạt động định kỳ, thường niên: đào tạo, nghiên cứu khoa học, thực tập thực tế, đặc biệt là phối hợp trong các hoạt động thường xuyên dành cho sinh viên hệ CLC TT23 của khoa.


Duy Khánh